Tới đây là nhất định ngồi thiền một mình thôi. Mặc kệ ai không đi được. Tại số của họ, ráng chịu. Chứ mà hỏi lung tung, hỏi lăng nhăng rồi đầu óc mình nó phân tán ra đó. Rồi bao nhiêu người, người ta nghe người ta cũng phân tán, người ta nghĩ tới chuyện khác, chứ không có nghĩ tới mục đích tới thiền của họ. Nó uổng cho người ta đi, uổng cho mọi người, hiểu không? […] Lần sau tới thiền là phải bỏ hết, bỏ hết, bỏ hết. Bỏ hết ngoài cổng. […] Bỏ luôn càng tốt.
Sao kỳ vậy! Âu Lạc (Việt Nam) đi đâu cũng kiếm đất không ra vậy? Sao quý vị lại để người ta dựng lều ở một nơi dốc nhiều như thế? Anh ta có ở đó không? (Dạ có.) Anh gạt họ hay sao? (Dạ không. Họ làm biếng. Có rất nhiều xẻng, mà họ không muốn đào và san đất cho bằng.) Ồ! Thì ra là vậy. (Mỗi người đào 36 thước Anh vuông (~3 mét vuông), là được rồi.) Thì ra là vậy. Tại quý vị không có biết. Cái gì... “Strategy” tiếng Âu Lạc (Việt Nam) nói thế nào? (Dạ chiến lược.) Là cái chiến lược của [anh ta] vầy. Mới tiết lộ đây, Chị Hai dịch ra cho nghe.
Hắn nói là: “Trời ơi! Tại mấy người Âu Lạc (Việt Nam) làm biếng đó chứ. Đem cuốc, xẻng để đầy ra mà chẳng ai thèm đào”. Tại nó tính kêu thiền thất qua thiền đặng mỗi người đào một khoảng đất vậy đó. Làm cho nó bằng hết, cho nó đỡ tốn tiền mướn mấy người ngoài kia. Sao quý vị chẳng có hiểu gì hết trơn vậy? Làm bộ nghĩa là ngôn ngữ bất đồng hả? Thấy cuốc xẻng rồi cần gì phải nói nữa. Hắn nói: “Để cuốc xẻng đầy hết mà chẳng chịu làm đất cho bằng ra đặng mà đóng lều. Thà là ngủ treo giò vậy”. Không, chắc tại Âu Lạc (Việt Nam) thích vậy đó. Phải không? Làm cái gì cũng ngược đời mà, thành ngủ cũng treo ngược lên vậy đó! Nhưng mà ngủ được không? (Dạ được.) Người này lăn tới lều người kia chứ gì, (Dạ.) rồi đỡ với nhau.
Có cuốc xẻng mà. Có không? Không có hả? (Dạ có.) Có mà chẳng thèm đụng tới làm chi, hả? Trời! Mình Âu Lạc (Việt Nam) “ngon” mà, ai đi đào đất làm chi. Ở bên đó đi làm lao động nhiều mệt quá rồi, phải không? Qua đây ta nghỉ ngơi chứ, thiền ngủ mà. Đi thiền ngủ mà ai làm cho mệt? Hắn không biết nói tiếng Âu Lạc (Việt Nam), cứ đứng chỉ chỉ vậy rồi đi. Rồi mình cũng đứng đó ngó ngó rồi mình đi chỗ khác. Thôi ráng chịu nhe. Thôi cũng còn có một, hai ngày nữa thôi, treo đỡ đó ngủ cho rồi. Tại bây giờ đào là đào tới mai rồi cuốn lều về cũng vậy hả, uổng. Rồi mai mốt người khác tới ở, uổng.
Tại núi mới mà, mới mua có một tháng mấy, hai tháng. Làm vậy là cũng nhiều lắm, mình thấy thì không có gì đâu. Mình tới đây mình thấy không có gì đâu, tại mình đâu có biết hồi trước nó là như thế nào. Hôm qua Chị Hai đi tham quan sơn hà của mình đó, thấy trời ơi mấy đường trên kia còn khủng khiếp nữa. Đường gì mà không thấy đường đâu hết trơn. Đường có chút xíu vầy mà cái ổ gà to vầy nè, đi lạng quạng lọt nguyên xe xuống luôn! Còn quý vị vô thấy đường lớn vậy là tại vì nó mới làm đó, hồi trước không có đường. Xứ Ta Bà này làm gì có chỗ nào ngon lành để mình ở đâu, phải làm cực khổ lắm mới có chỗ ở. Còn nếu mà muốn cái chỗ người ta làm sẵn rồi thì mấy trăm tỷ – mấy trăm tỷ đô la. Chị Hai còn cho thêm nữa đó. Còn lục túi Chị Hai lấy tiền nữa! Vậy mà được vầy thôi đó. Nó cho mình ở trong chỗ mà trồng dâu, trồng dâu tây đó. Rồi còn để mấy lồng đèn giống trái dâu vô nữa, nó coi mình như cây cỏ.
Thế giới luật lệ nhiều mà, đâu phải muốn làm gì thì làm đâu. Khó lắm. Chị Hai đã nói rồi. Cái luật lệ này nó mù. Luật lệ mù. Mình đâu có làm gì bậy bạ đâu, mà cứ cấm lung tung hết. Phải chi người ta làm xấu, làm hư cái phong cảnh, hoặc là tới làm phá hoại phong tục, mỹ quan của nước nào thì có thể phạt được. Chứ mình đâu có làm gì đâu, tới đâu cũng làm tốt cho người ta. Tới đâu cũng làm đẹp đẽ cho cảnh vật bên ngoài. Vậy mà cứ theo luật là không được làm, làm phải xin. Mà xin phép thì nhiều khi mấy tháng tới một năm. Xin xong rồi, làm xong rồi cái kiếm chuyện nữa đuổi đi nữa. Thành [ra] Chị Hai cũng mệt lắm rồi. Bác Hải cũng mệt lắm rồi!
Chùa gì mà làm bằng cái ni lông. Mà ni lông không có dính nhau nữa, ni lông còn lủng lỗ tùm lum! Cái này người ta trồng dâu, biết không? Trồng cải, trồng dâu đó. Ở đây mình trồng Bồ Tát! Rồi, thôi ráng chịu hả. Treo đỡ vài ba ngày, rồi về nhà ngủ cho nó thẳng giấc. Mai mốt không dám đi thiền nữa hả? (Dạ vẫn đi.) Đi cái treo cẳng lên trời không vậy. (Dạ thấy càng nhớ Đại Hàn.) Cái gì? (Để vậy lại càng nhớ Đại Hàn.) Ngủ sao? (Ngủ treo như vậy càng nhớ Đại Hàn.) Nhớ Đại Hàn.
Tại sao quý vị không đào đào lên một chút cho nó bằng? (Nếu mà đào, nhiều đó, Sư Phụ. Chứ mà đào để vừa có tấm trải thì sợ mưa nước nó sẽ chảy ướt nhẹp.) Không biết nữa. Vô làm sao được? Cái lều nó như vậy, [nước] nó vô thì nó chảy xuống chứ. Đào thì phải đào cái rãnh xung quanh. (Dạ nhưng mà bò lên tới núi hết đào nổi.) Bò lên tới núi hết đào nổi hả? Bò cái gì đâu mà dữ vậy? Cái núi người ta dựng đứng như vách tường, chứ đâu có gì đâu mà bò. Núi này có gì đâu mà phải bò lên, bò đâu có nổi đâu. Mệt lắm hả? Bò lên tới núi cái mệt hết rồi hả? Tại ở nhà đi xe rồi quen hả? (Dạ.) À, tôi biết, tôi biết.
Sư huynh đó đâu có biết cái tình cảnh này đâu. Tại tối ngày hắn leo hoài, đâu có biết người ta ở nhà người ta đi xe đâu. Bữa Chị Hai mới đến cũng vậy nữa. Mình thì đi xe, còn nó chạy bộ, chạy bộ theo, mấy người hộ pháp đó. Chị Hai thấy đau lòng, nói: “Thôi, thôi, thôi. Đừng chạy nữa. Còn không là nhảy lên xe đi chung luôn”. Cái nó nói: “Ồ, bữa nay chạy có một bữa, ăn nhằm gì”. Sư Phụ chưa tới, mỗi ngày [hắn] chạy mấy trăm lần, chạy tới chạy lui, chạy lên chạy xuống đó. (Dạ.) Leo tới, leo lui, nó quen. Cái gì tập nó cũng quen ha. Thiệt đó chứ, ngồi đây nói thì dễ, nhưng mà quý vị không quen leo núi cũng mệt ha.
Mỗi lần leo xuống đi ăn, cái leo về, hết mất, tiêu hết. Tiêu cái ca nhỏ nhỏ, tiêu hết ha. (Dạ.) Có đem theo thêm cái ca để về nhà ăn. (Dạ.) Mình leo xuống ăn xong rồi đem một cái đem về để, tại mình leo lên tới đó mình đói nữa. Sao mấy bữa nay ăn được không? (Dạ được.) Ăn đồ Đại Hàn được không? (Dạ ngon.) Ờ. Mấy người Tàu tức cười lắm. Bữa hôm qua đem đồ ăn lại cho Chị Hai, đem cái món luộc rau gì đó mà bỏ chung với cái món… Cái gì? “Sauce” tiếng Âu Lạc (Việt Nam) kêu cái gì quên rồi. Nước tương hả? Nước tương để chan xà lách đó nha. Ờ, nước tương họ làm đặc đặc, sệt sệt để chan xà lách. Chị Hai hỏi: “Ủa, cái này ăn với cái gì vậy?” Giống như là tương trái táo, tưởng như là cái tương trái táo nhe. Hỏi: “Cái gì vậy?” Tưởng đâu là món ăn tráng miệng đó. Chị Hai hỏi: “Cái này ăn với gì? Phải đồ tráng miệng không?” Nó nói: “Đâu có đâu. Cái này chấm cái này đó. Chấm rau luộc”. Tại bả để gần bên thì bả nói cái này chấm cái này đó. Cái này chấm rau luộc.
Chị Hai nói: “Ủa, hồi đó giờ ở Đài Loan (Formosa) ăn cái món rau luộc này hoài đâu có thấy chấm món này đâu”. Cái bà Đài Loan (Formosa) bả nói: “Ồ, cái này chắc của Đại Hàn làm đó. Kiểu Đại Hàn”. Chị Hai nói: “Đại Hàn gì? Món rau này rõ ràng là rau Đài Loan (Formosa) mà”. Cái nói: “Nhưng mà có bà Đại Hàn bả [làm] lộn xộn trong đó”. Chị Hai hỏi: “Kỳ quá! Cái này không phải mà. Chắc không phải đâu”. Cái nhỏ kia tới nói: “Không phải đâu, Sư Phụ. Cái này là để trộn món xà lách bên này đó”. Cái gì cũng đổ thừa Đại Hàn. Chị Hai nói: “Không biết thì nói không biết cho rồi”. Không biết cái đổ thừa Đại Hàn nấu bậy. Nội ăn không mà mình học không hết hả? (Dạ.) Ờ. Nói chi học Phật, học Trời gì đâu.
Sao, quý vị mấy bữa nay ngồi thiền có tiến bộ không? (Dạ có.) Tiến bộ kiểu anh Ba không? Có không? (Dạ có ạ.) Ít ra cũng tiến bộ đó, mở miệng hết nổi rồi. Chị Hai cho leo núi ba bữa, với lại ngồi thiền thêm ba bữa nữa thôi, thì không hỏi gì được nữa, phải không? Mệt quá rồi! Như vậy thành ra Chị Hai mới tổ chức thiền thất hoài là vậy đó. Để cho mệt quá rồi hết nghĩ ngợi, hết nói bậy nói bạ gì nữa. Rồi, không có hỏi gì hết phải không? (Dạ.) Thiệt hả? (Dạ thiệt.) Không hỏi ha? Rồi ha. Thôi, thôi ngồi thiền đi. Chúng ta thiền thôi. Quý vị, ban âm thanh, có thông dịch không? (Dạ có.) Không có thông dịch à? (Dạ có.) Quý vị nghe không hiểu gì hết hả? Thảo nào tôi nói nhiều vậy, mà quý vị cứ ngồi ngây ra đó.
Tới đây là nhất định ngồi thiền một mình thôi. Mặc kệ ai không đi được. Tại số của họ, ráng chịu. Chứ mà hỏi lung tung, hỏi lăng nhăng rồi đầu óc mình nó phân tán ra đó. Rồi bao nhiêu người, người ta nghe người ta cũng phân tán, người ta nghĩ tới chuyện khác, chứ không có nghĩ tới mục đích tới thiền của họ. Nó uổng cho người ta đi, uổng cho mọi người, hiểu không? Cực khổ lắm mới đi được tới đây, rồi leo núi cũng thở hè hè. Nằm ngủ thì treo giò lên không như vậy, còn bày đặt hỏi cho người này, người kia. Nhớ ha? (Dạ.) Lần sau tới thiền là phải bỏ hết, bỏ hết, bỏ hết. Bỏ hết ngoài cổng. Chừng nào về mà tiếc thì lấy đem theo. Bỏ luôn càng tốt. Được rồi. Thiền đi.